Nguồn gốc và lịch sử phát triển Blitzkrieg

Đặc điểm địa chính trị và chiến lược chiến tranh của nước Đức

Lịch sử của nước Phổ, và nước Đức sau này là biên niên sử các hành động can thiệp của các cường quốc châu Âu cố gắng kìm chế Phổ/Đức, đặc biệt từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1871. Vốn từ buổi đầu lịch sử, Phổ có nguồn tài nguyên và nhân lực hết sức yếu ớt, cho nên không thể thắng nổi một cuộc chiến lâu dài, tiêu hao[4]. Do điều kiện địa lý Đức nằm giữa đồng bằng Bắc châu Âu, giáp với Pháp ở phía Tây và giáp với Nga ở mặt Đông, nên hai cường quốc này muốn có một nước Đức yếu kém làm vùng đệm hơn là một nước Đức hùng mạnh có khả năng đe doạ biên giới của mình[7].

Đối mặt với những lợi ích địa chính trị đó của Pháp và Nga (Liên Xô sau này), Đức luôn phải chuẩn bị chiến tranh trên hai mặt trận. Tuy nhiên, nếu cả hai cường quốc này cùng tấn công thì Đức sụp đổ. Do đó, cả ba cuộc chiến 1871 (Liên minh Phổ chống Pháp), 1914 (Chiến tranh thế giới thứ nhất) và 1939 (Chiến tranh thế giới thứ hai) Đức đều tiến hành với cùng một chiến lược ra tay hạ Pháp trước[7].

Để chiến lược này thành công, Đức buộc phải hành động nhanh gọn để giải quyết xong mặt trận phía Tây với Pháp trong khi Nga (hoặc Liên Xô) chưa kịp triển khai lực lượng mở mặt trận phía Đông. Đây chính là yêu cầu cơ bản cho mọi học thuyết của Đức về chiến tranh - bao gồm phương diện chiến thuật, quy mô quân đội, tổ chức quân đội, trang bị vũ khí - từ nửa cuối thế kỷ 19 đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự phát triển của lý luận chiến tranh ở Đức trước Chiến tranh thế giới thứ nhất

Mầm mống của nền lý luận quân sự Đức, mà đỉnh điểm là Chiến tranh chớp nhoáng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, có thể là cuộc "Cuộc đua xe trượt tuyết vĩ đại" (Schlittenfahrt) của Tuyển hầu tước vĩ đại Friedrich Wilhelm I xứ Brandenburg vào thế kỷ 17.[8] Đó là chiến dịch của ông tại Đông PhổSamogitia chống quân xâm lược Thụy Điển trong Mùa Đông năm 1678 - 1679, và đạt hiệu quả hết sức to lớn. Trên xe trượt tuyết, những chiến binh của ông đã tổ chức một cuộc tấn công cơ động vô cùng mãnh liệt, và truy đuổi quân thù. Quân Thụy Điển đại bại thảm hại. Bản thân Friedrich Wilhelm I cũng chủ trương tiến hành cuộc chiến "ngắn và dễ" (kurtz und vives), do lúc điều kiện không thuận lợi của xứ Phổ - Brandenburg khi ấy.[4]

Tiếp theo đó, nhà vua Friedrich II Đại Đế nước Phổ, khi thân chinh phát binh phạt tỉnh Silesia của Áo vào năm 1740 mà không có lời cảnh báo, cuộc Chiến tranh Silesia lần thứ nhất bùng nổ và châu Âu đã được nếm mùi của cái mà hậu thế gọi là Chiến tranh chớp nhoáng.[6] Trước khi xuất binh, ông đã giữ kín được bí mật, và thực hiện mọi mưu kế ngoại giao, trong khi ba quân đang hừng hực khí thế. Ngay cả khi các Trung đoàn của ông đã lên đường hành binh rồi, ông vẫn còn nói với sứ thần Áo rằng ông sẽ không làm gì đến Nữ hoàng Áo Maria Theresia. Và trước khi rời khỏi kinh đô để cùng với ba quân tiến đánh Silesia, ông tham dự buổi lệ khiêu vũ ngay trong kinh thành Berlin. Và, khi đã đứng trước đoàn quân tinh nhuệ đang trên đường chinh phạt Silesia, ông vẫn thương thuyết, tuy nhiên Maria Theresia đã không chấp nhận các điều khoản của ông. Nhưng rồi, sau hai trận thắng lớn tại MollwitzChotusitz thì cuộc chiến đã kết thúc vào năm 1742 với đại thắng của Vương quốc Phổ.[9] Vào năm 1748, trong chuyên luận Những Nguyên lý cơ bản của Chiến tranh ("Principes généraux de la guerre"), nhà vua răn dạy các Sĩ quan Quân đội:[10]

Những cuộc chiến của chúng ta phải ngắn và dễ dàng, bởi vì chúng ta không có thế để gây ra một cuộc tranh đấu dai dẳng, do một cuộc binh lửa như vậy sẽ hạ thấp những tiêu chuẩn kỷ cương đáng phục của chúng ta, giảm sút dân số của quốc gia ta và kiệt quệ tài nguyên của chúng ta.
— Friedrich II Đại Đế

Đó là quy luật nền tảng cho sự sống còn của một quốc gia nghèo tài nguyên và nhân lực như Phổ.[10] Các tướng lĩnh Phổ theo đó phải đánh một trận quyết định, qua đó tạo tiền đề cho "Chiến tranh chớp nhoáng" sau này, mặc dù nhà vua Friedrich II Đại Đế chưa hề dùng từ ngữ này.[6] Vào năm 1757, ông lại áp dụng kiểu chiến này khi cuộc Chiến tranh Bảy Năm bùng nổ.[11] Khi đó, người Áo liên kết với Nga và Pháp để tấn công Phổ do đó ông quyết định thân chinh khởi đại binh đánh xứ Bohemia để triệt hạ Áo. Dù ban đầu quân Phổ thắng lớn trong trận đại chiến Praha, cuộc "chiến tranh chớp nhoáng" này không thành công do quân Phổ bị quân Áo đánh bại trong trận Kolín tàn khốc (1757).[12] Nhưng rồi, sang cuối năm 1757, ông liên tiếp đại phá tan nát quân Pháp - Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh trong trận Roßbach và quân Áo trong trận Leuthen. Những chiến thắng vẻ vang này đưa tên tuổi của ông trở nên hết sức vinh quang và thể hiện một hình thức mới của "Chiến tranh chớp nhoáng". Theo đó, ông phải thực chiến chiến lược tấn công, đánh những trận đòn sấm sét, quyết định nhằm ngăn cách các cường địch của ông họp binh với nhau.[5]

Nền lý luận quân sự Phổ - Đức cũng có lẽ chịu ảnh hưởng từ chiến thắng của Hoàng đế Napoléon Bonaparte[13] trước Đế quốc Áo trong cuộc chiến tranh với Liên minh lần thứ ba năm 1805. Cuộc chiến được quyết định chóng vánh bằng một trận đánh (trận Ulm) đã cấy vào các nhà tư tưởng quân sự của Phổ sau đó - Gerhard von Scharnhorst và August Neidhardt von Gneisenau - ý tưởng của trận đánh quyết định tiêu diệt phần lớn quân lực đối phương, được thực hiện bằng các mũi tấn công nhanh chóng, bất ngờ vào sâu trong lãnh thổ đối thủ[14]. Carl von Clausewitz - nhà lý thuyết quân sự Đức ở thế kỷ 18-19, bạn và học trò của hai nhà tư tưởng trước đó - là người đặt nền móng cho lý luận chiến tranh Phổ - Đức trên cách diễn dịch "nghệ thuật quân sự của Napoléon" của von Scharnhorst và von Gneisenau. Trong tác phẩm Vom Kriege (Bàn về chiến tranh)[15], ông đưa ra các lý luận tổng quát về chiến tranh, tổ chức quân đội và cách thức tiến hành chiến tranh, sự cần thiết của việc tập trung quân lực, thực hành vận động chiến bao vây, và qua đó khuếch đại ảnh hưởng của Napoléon[14][15].

Sau đó, Bá tước Alfred von Schlieffen - Thống chế và là nhà chiến lược Đức - mới là người nối kết những tư tưởng quân sự đã xác lập với đặc điểm địa chính trị - kinh tế của nước Đức để phát triển thành một chiến lược chiến tranh. Xuất phát từ nhận thức rằng nước Đức bị bao quanh bởi các cường quốc giàu tài nguyên, ông đi đến kết luận rằng Đức không thể thắng khi tham chiến cùng lúc 2 mặt trận, cũng không thể thắng một cuộc chiến tranh kéo dài. Do đó, Đức chỉ có một lựa chọn duy nhất là lần lượt đánh bại từng đối phương - trước hết là Pháp - bằng một đòn quyết định, chớp nhoáng, mang tính huỷ diệt.

Chiến lược này của ông được cụ thể hoá trong kế hoạch Schlieffen thời chiến tranh thế giới thứ nhất với 2 mũi tấn công vào Pháp: một mũi phía Bắc qua Bỉ - Hà Lan vòng sát eo biển Manche, một mũi từ phía Đông hợp điểm bao vây ở tây Paris trong vòng 6 tuần, thời gian dự tính cần thiết để Nga tổng động viên xong và mở mặt trận phía Đông. Về mặt chiến thuật, kế hoạch này có thể được coi là sự kết hợp kinh nghiệm vận động chiến trong lịch sử chiến tranh trước đó [gc 1] vào điều kiện khách quan của Đức[16], thể hiện bằng việc tập trung tới 90% quân đội cho mặt trận, thực hành vận động bao vây bằng 2 gọng kềm trước khi tiêu diệt phần lớn quân lực địch trong một trận đánh quyết định. Trên cả hai mặt chiến lược - chiến thuật, kế hoạch này có thể coi là ý đồ tiền thân của blitzkrieg.

Nhà quân sự - chiến lược kế tục ông, danh tướng Helmuth von Moltke Lớn[gc 2], đã bước đầu triển khai ý đồ của Schlieffen thành học thuyết khi nhận thức tốc độ hành tiến chỉ có thể thực hiện thành công nhờ một cơ cấu chỉ huy phân quyền linh động. Ông đã đưa ra hệ thống tổ chức dựa trên Bewegungskrieg ("vận động chiến") và Auftragstaktik ("chiến thuật nhiệm vụ"), trong đó các cấp chỉ huy tiền phương được toàn quyền lựa chọn phương án chiến đấu cho đơn vị để đạt mục tiêu chiến thuật được giao. Đây chính là đóng góp quan trọng để được tổng kết vào học thuyết "blitzkrieg" về sau.

Những bài học tổng kết từ Chiến tranh thế giới thứ nhất

Bản kế hoạch Schlieffen được tướng Helmuth von Moltke Nhỏ điều chỉnh và áp dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Vì một số lý do khách quan như sự kháng cự kiên cường của Bỉ, Nga tổng động viên nhanh hơn dự tính, khiến Đức không thực hành tấn công theo đúng kế hoạch. Từ ngày 5 cho đến ngày 9 tháng 9 năm 1914, quân Đức bị chặn đứng trong trận đánh bất phân thắng bại với liên quân Anh - Pháp trên sông Marne, nên họ phải rút các đơn vị cánh phải về. Kế hoạch Schlieffen bị phá sản.[17] Họ sa vào cuộc chiến trên hai mặt trận, trong đó mặt trận phía Tây phải cầm cự trong chiến hào và cuối cùng dẫn tới thất bại[18].

Tuy nhiên, có thể nói nguyên nhân quan trọng nhất của thất bại là tại thời điểm bắt đầu chiến tranh, quân đội Đức chưa được cơ giới hoá, cũng không có một lực lượng cơ động chiến thuật nào khác ngoài kỵ binh. Trong khi đó, với sự phát minh của súng máy từ cuối thế kỷ 19[gc 3], thì việc bố trí hoả lực chéo cánh trên chiến trường khiến bên phòng ngự dễ dàng vô hiệu hoá kỵ binh cũng như bộ binh tấn công. Ở thời kỳ sau của Thế chiến thứ 1, người Anh đã phát minh ra xe tăng dùng để che chắn cho bộ binh khỏi đạn súng máy, có thể leo qua chiến hào, đè qua hàng rào kẽm gai để phá vỡ tuyến phòng ngự của đối phương. Mặc dù những chiếc xe tăng đầu tiên này không hoàn hảo, nhưng ở vị trí bị tấn công, người Đức nhanh chóng nhìn nhận tiềm năng của chúng.

Ở tầm chiến thuật, cuối Thế chiến 1, Quân đội Đức đã thử nghiệm thành công biện pháp tấn công phòng tuyến đối phương. Theo đó, pháo và không quân sẽ hỗ trợ hoả lực để thê đội 1 gồm các toán nhỏ bộ binh xâm nhập phòng tuyến, bỏ qua các ổ phòng ngự để nhắm vào các mục tiêu mềm ở hậu cứ. Kế đó, thê đội 2 gồm các đơn vị bộ binh lớn hơn mang theo vũ khí nặng tham chiến đảm nhận việc tiêu diệt các điểm phòng ngự tiền phương. Cũng trong giai đoạn này, người Đức đã đúc rút được kinh nghiệm trong tổ chức vận động chiến - khi ở mặt trận phía Đông cả hai bên đều thực hành vận động chiến thay vì cầm cự trong chiến hào. Phân tích cho thấy với hình thức chiến tranh này, nhiều đơn vị nhỏ phối hợp hợp đồng chiến dịch có hiệu quả chiến đấu cao hơn một số ít đơn vị lớn hoạt động độc lập.

Sau thế chiến 1, những kinh nghiệm đúc rút từ thất bại kết hợp với nền tảng chiến lược - chiến thuật trước đó đã được tướng Hans von Seeckt (Han-xơ Vôn Xíc-tơ), Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đức, tổng kết lại thành một học thuyết cụ thể xuất bản năm 1921, tựa đề "Chỉ huy và tác chiến hợp thành quân binh chủng" (Command & Combat with Combined Arms)[19]. Ngoài ra, Hans von Seeckt còn có một đóng góp quan trọng nữa ở cấp độ chiến dịch - chiến thuật là nhấn mạnh vào tốc độ hành tiến hơn là tập trung quân lực mật độ cao và tiến hành bao vây[gc 4]. Ông cho rằng chỉ có tốc độ mới đem đến sự bất ngờ cho đối phương và đưa đến cơ hội chiến thuật khi đối phương không kịp quyết định hoặc quyết định sai, và việc khai thác thành công cơ hội này sẽ dẫn tới thắng lợi nhanh chóng[20]. Cả hai đóng góp của ông có thể được coi là nền móng hoàn chỉnh, chỉ còn chờ ý tưởng cơ giới hoá để blitzkrieg có hình hài.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Blitzkrieg http://www.chetrichards.com/modern_business_strate... http://www.clausewitz.com/FAQs.htm#What http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://app.response.stratfor.com/e/es.aspx?s=1483&... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/Cannae/cann... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/fuller2/ful... http://www.history.army.mil/books/wwii/milimprov/c... http://cgsc.leavenworth.army.mil/carl/resources/cs... http://www.charles-de-gaulle.org/pages/l-homme/dos...